VŨ TỘC THÔN VĨNH LỘC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhà Ngoại Cảm Phan Bích Hằng Thỉnh Chư Vị Cao Tổ Họ Vũ - Võ Việt Nam Về Nói Chuyện Đại Diện Các Hậu Duệ

Go down

Nhà Ngoại Cảm Phan Bích Hằng Thỉnh Chư Vị Cao Tổ Họ Vũ - Võ Việt Nam Về Nói Chuyện Đại Diện Các Hậu Duệ Empty Nhà Ngoại Cảm Phan Bích Hằng Thỉnh Chư Vị Cao Tổ Họ Vũ - Võ Việt Nam Về Nói Chuyện Đại Diện Các Hậu Duệ

Bài gửi  admin Sun Oct 16, 2011 3:31 am

Chiều 11/4/2003 tức 10/3/quý mùi. Ban liên lạc tổ chức về làm việc tại gò mộ Đống Dờm, thôn Thanh Lâm, thị trấn Nam Sách, tỉnh Hải Dương để thẩm định lần nữa việc xây dựng đường vào mộ , xây kè xung quanh gò mộ. Buổi sáng đoàn đã làm lễ đổ mái ( cất nóc ) nhà hạ đường, nhà lưu niệm, nhà bia trong khu miếu thờ thuỷ tổ Vũ Hồn ở thôn Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương. Đây là những việc làm nằm trong chương trình tiến tới kỷ niệm 1200 năm ngày sinh đức thần tổ Vũ Hồn ( đầu năm 2004 ). Thuỷ tổ họ Vũ ( Võ ) Việt Nam, thành hoàng làng Mộ Trạch.

Sau khi thắp hương tại bia mộ Đống Dờm, nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng đã thỉnh các cụ tổ về cho con cháu trò chuyện, xin các cụ chỉ dẫn cho những việc con cháu đã làm, đang làm và sắp làm, tăng thêm niềm tin, yên tâm phấn khởi về những công việc mang ý nghĩa tâm linh. Theo lời chị Hằng, chị đã mời được các cụ Vũ Tiên Oanh, cụ Vũ Hồn, cụ Võ Văn Trình về tại bia mộ Đống Dờm. Cụ Vũ Tiên Oanh, mộ táng tại đây ( Đống Dờm ) là ông nội cụ Vũ Hồn, bố cụ Vũ Công Huy. Cụ Võ Văn Trình là cụ tổ 4 đời ( tứ đại ) của anh Võ Văn Hồng, thuộc chi họ Võ ở Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An. Từ khi nhà tài trợ Võ Văn Hồng, Vũ Văn tiền khởi công tôn tạo khu di tích Mộ Trạch, anh Võ Văn Hồng đã thỉnh và xin với cụ Vũ Hồn cho cụ Võ Văn Trình được trông nom công việc xây dựng, lời thỉnh cầu được đáp ứng nên mỗi khi thỉnh cụ Vũ Hồn, chị Hằng cho biết đều thấy cụ Võ Văn Trình đi cùng. Đây là lần đầu tiên con cháu thỉnh cụ Vũ Tiên Oanh và được cụ linh ứng.


Sau đây tôi xin ghi lại những chuyện do chị Phan Bích Hằng nói, xuất phát từ chỗ chị Hằng có khả năng đặc biệt ( ngoại cảm ) nhìn được bóng hình các cụ từ cõi âm hiện về, nghe được lời các cụ truyền. Cuộc trò chuyện diễn ra hết sức thân tình vui vẻ và dễ hiểu như câu chuyện trong gia đình vậy ( có băng ghi âm ). Con cháu nghĩ đâu hỏi đấy, không theo thứ tự, tôi sắp xếp lại để bà con tiện theo dõi, có lược vài chi tiết nhưng không làm sai nội dung.

- Những chuyện liên quan đến gò mộ Đống Dờm.
- Những chuyện liên quan đến mộ cụ Nguyễn thị Đức, thân mẫu cụ Vũ Hồn ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương.
- Những chuyện liên quan đến khu di tích cụ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang.
Về phía con cháu dự thỉnh gồm:

+ Bác Vũ Mạnh Hà

+ Bác Vũ Thuý

+ Bác Vũ Kim Tường

+ Bác Vũ Hữu Sâm

+ Anh Võ Văn Hồng

+ Anh Vũ Văn Tuân

+ Anh Nguyễn Anh Tuấn

I/ Mộ Đống Dờm, mộ táng cụ Vũ Tiên Oanh, ông nội cụ Vũ Hồn.

Chị Hằng nói cụ Vũ Tiên Oanh hiện về với bộ tóc rất dài, cụ búi lên phía sau đầu có cây bút tre cài ngang. Cụ nói mộ cụ được táng vào Đống Dờm là do con trai cụ ( Vũ Công Huy ) và con dâu mang từ Phúc Kiến về chứ không phải do cháu Vũ Hồn của cụ, tìm huyệt gò Đống Dờm là Vũ Công Huy. Về mặt phong thuỷ gò Đống Dờm rất đẹp, đó là “Cửu thập bát tú triều dương” ( 98 ngôi sao hướng về mặt trời ). Đống Dờm là ngôi sao lớn nhất, sáng nhất. 98 gò đất tượng trưng 98 ngôi sao và mặt trời còn ứng với “Cửu cửu trung sơn” (dãy núi 99 ngọn). Đối với các thầy địa lý thì ở xa hàng cây số vẫn nhìn thấy thế đất này vì nó phát sáng rất mạnh. Thế đất này rất khó phá, không phá được, muôn đời nó vẫn thế. Mộ táng vào đất phong thuỷ như Đống Dờm thì ở Trung Quốc và Việt Nam đều hiếm, rất hiếm. Cụ bảo chính vì mộ cụ được táng vào chỗ đất thiêng quá nên cụ cứ phải ở mãi, thông lệ thì người chết sau một hội 600 năm được siêu thoát lên cõi tiên, “Tiên cảnh nhàn du”, cụ đã phải ở thêm một hội thành 1200 năm, đáng lẽ để cho con cháu chăm sóc mộ phần thì cụ lại về phù hộ cho con cháu. Cụ còn nói cũng nhờ hòn đất thiêng này mà con cháu họ Vũ được hưởng phúc lớn. Vũ Hồn mới xây dựng được ấp ở đây, không có mộ Đống Dờm thì không đời nào Vũ Hồn xây được ấp. Cụ căn dặn con cháu phải biết và luôn nhớ không được làm gì ảnh hưởng đến gò mộ Đống Dờm. Làm đường vào gò mộ, được. Xây kè xung quanh gò mộ, được. Nhưng tuyệt đối không được đào hay xây gì trên gò mộ. Phần thiên của cụ thế nào cứ để nguyên như thế. Xây kè bằng đá hay gạch đều được, không quan trọng nhưng nhớ là không được có kim loại cắm vào. Cụ kể trước đây dân chúng đã có lần phá gò, sau lại phải đắp trả lại như cũ. Thời phong kiến có một vị quan trong triều cũng xâm táng vào đây, họ đào đúng chỗ bia huyệt cụ, thế là phải bê đi ngay.

Mọi người đều biết qua gia phả và tư liệu dòng họ có ghi các lần gò mộ Đống Dờm bị xâm táng. Căng thẳng nhất là vụ xâm táng đầu thế kỷ 20 đã khiến con cháu họ Vũ phải lên tiếng đòi pháp lý của chính quyền thực dân phong kiến can thiệp. Với sự khôn khéo đặt vấn đề, lập luận có tình có lý, buộc viên quan công sứ Pháp tỉnh Hải Dương ( Massimi ) phải ra một chỉ thị cho chính quyền các cấp trực thuộc như sau:

Số 452511 Hải Dương ngày 15 tháng 3 năm 1937
Kính gửi: Quan tổng đốc tỉnh Hải Dương

Gia tộc họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang có trình lên tôi xin mua khu đất công thổ số 1247 tức gò Đống Dờm thuộc làng Mạn Nhuế, phủ Nam Sách trên đó có xác một cụ tổ của họ tính danh nổi tiếng là cụ Vũ Hồn.

Khu đất không thể bán cho họ theo lời thỉnh cầu, tuy nhiên tôi đề nghị ông loan báo cho dân làng Mạn Nhuế biết, gò này rõ ràng là một khu đất có tính nguyên vẹn và điều đó, nếu cần, được bảo đảm bằng các quy định ở điều 245 bộ luật dân sự An Nam, trong đó nói về phần mộ các nhân vật đã được nhiều bằng sắc nhà vua phong thần.

Mặt khác, người dân Mộ Trạch có quyền cúng bái tổ tiên họ ngay trên đất ấy, không gì cản trở. Mọi hành động xúc phạm có tính báng bổ đối với ngội mộ gò Đống Dờm mà con cháu họ Vũ xem một cách có lý là nơi thăm viếng tôn thờ của họ sẽ không được dung tha.

Vậy tôi hân hạnh đề nghị ông loan báo nội dung trát này đến hai làng nói trên được biết.

Quan công sứ

đã ký

Massimi

Sự khôn khéo của con cháu là đã mượn tên của cụ Vũ Hồn thay cho ông nội Vũ Tiên Oanh, sự thực thì mộ cụ Vũ Hồn táng ở Mộ Trạch. Gò Đống Dờm là mộ cụ Vũ Tiên Oanh, nhưng với lịch sử Việt Nam thì cụ Vũ Hồn mới có tính danh nổi tiếng, có nhiều bằng sắc của nhà vua phong thần. Nội dung búc trát đã được khắc bằng 3 thứ tiếng Việt – Pháp – Hán trên một mặt tấm bia đá to cao 1,5 mét đặt trên đỉnh gò, chúng tôi gọi vui là bia bảo vệ. Sự xâm táng có lẽ cũng chấm dứt từ khi có bia này.

Khi con cháu hỏi cụ về cách chôn cất, phương pháp táng mộ Đống Dờm, chị Hằng đã dẫn giải lời cụ Vũ Tiên Oanh rất rành rọt: Cụ được con trại là Vũ Công Huy và con dâu Lưu Thị Phượng cùng một số con cháu và thêm mấy gia đình trong phủ ( cụ Vũ Công Huy làm quan ) đưa xác cụ từ Phúc Kiến sang táng vào Đống Dờm. Họ đào mộ 7 ngày 7 đêm. Ban ngày đậy lại, đêm mới đào, đợi sao rơi xuống đã. Thường đào từ giờ tý đến giờ dần (khoảng 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng). Mộ sâu 12 thước ( gần 5 mét ). Lưu Thị dùng dây dòng hạ cụ xuống rồi treo lơ lửng, táng treo. Bây giờ vẫn thế, chưa tiếp địa, không tiếp địa. Thì ra táng treo là như thế. Trong gia phả có nói mộ cụ táng treo, nhưng tôi đã hỏi nhiều vị cao niên mà chưa được ai giải thích tường tận.

Anh Võ Văn Hồng sửng sốt bật ra câu hỏi: Thưa cụ, táng bằng dây gì mà 1200 năm không đứt, sao kỳ lạ vậy? – Đó là lõi dây gai quyết toán bện với tơ tằm. Cụ bảo chỉ họ Vũ mới có kiểu táng mộ như vậy. Các cháu muốn hiểu thêm về phong thuỷ thì hỏi con cụ, cháu cụ ( ý nói cụ Vũ Công Huy, cụ Vũ Hồn ), những người này giỏi địa lý. Riêng cụ chỉ giỏi thiên văn nghĩa là xem mưa nắng của trời, cụ bảo đôi khi người ta dùng thiên văn để tìm địa lý nhưng địa lý lại điều khiển tất cả. Cụ nhắc lại cái thế của gò Đống Dờm thì không ở đâu so được. Sau này cụ Vũ Hồn tìm được huyệt ở Kiệt Đặc, Chí Linh đặt mộ thân mẫu Nguyễn Thị Đức cũng đẹp, đó là thế “Ao vực nước trong xanh - đời đời phát công khanh”, huyệt cạnh ao rất đẹp. Tuy không như thế “Cửu thập bát tú triều dương” nhưng con cháu đời đời công hầu khanh tướng. Sau nữa có mộ cụ Vũ Hồn ở Mả Thần, Mộ Trạch. Cụ bảo cái thế của cụ Vũ Hồn là “Tinh nguyệt tam thái trướng ngoại triều”. Họ Vũ là thế, cái gì cũng ứng với tinh tú và phải giữ tam tam, ba điểm Đống Dờm, Kiệt Đặc, Mộ Trạch tạo thành cái thế chân vạc, tam kỳ ngộ.

Võ Văn Hồng thích thú thốt lên: “Đó là 3 hòn ngọc của họ Vũ phải tuyệt đối giữ bằng được”.

Đến đây chị Hằng lại dẫn lời cụ Vũ Hồn: Chỗ các cháu đứng đây ( bia mộ Đống Dờm ) nhìn về phía bên kia xa xa một chút có cái gò phẳng và mấy cái ghò con là chỗ cụ Vũ Công Huy làm nhà ở mấy năm liền trông nom mộ Đống Dờm, vì thế mấy cái gò ấy không có ngôi mộ nào ( theo hướng chị Hằng chỉ về hướng tây bắc, cách chỗ đứng khoảng 200 mét, mọi người nhìn thấy cái gò phẳng hơi to, cạnh đó có vài cái gò con ). Cụ Vũ Hồn bảo tương tự thế, khi cụ chôn cất cụ Nguyễn Thị Đức ở Kiệt Đặc ( Chí Linh ) cũng làm nhà trên miếng đất mà bây giờ là nhà của người thời gian gần đây đã phá mộ cụ Đức, chỉ hơi khác là nhà cụ Vũ Hồn quay hướng trông ra mộ, luôn luôn trông thấy mộ. Cụ nhắc đến tục lệ người Trung Hoa khi chôn cất mồ cha mả mẹ xong bao giờ người con trai cũng phải ở lại trông nom mộ suốt 3 tháng 10 ngày mới được về, nhất là mộ táng theo phong thuỷ lại càng phải cẩn thận, đêm nào cũng phải theo dõi thấy sao rơi xuống mới đắc địa ( mới thiêng ), không có sao rơi là mộ hỏng.

II/ Về ngôi mộ ở Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương

( mộ táng cụ Nguyễn Thị Đức, thân mẫu cụ Vũ Hồn ).

Gia phả có ghi và cụ Vũ Tiên Oanh cũng nhắc đến, cụ Vũ Công Huy có nhiều vợ, trong đó có cụ Lưu Thị Phượng là chính thất ( vợ cả ) là người Phúc Nam, tìm được điểm đặt huyệt Đống Dờm đã táng mộ cụ bố Vũ Tiên Oanh vào đó và ở lại Việt Nam trông nom mộ. Trong thời gian này cụ Huy gặp cụ Nguyễn Thị Đức con gái một thầy đồ dạy học ở làng bên. Cụ Đức trở thành vợ bé của cụ Huy, sinh ra cụ Vũ Hồn. Sau khi từ quan cụ Vũ Hồn ở lại Việt Nam lập ấp, dạy học và phụng dưỡng mẹ già. Khi cụ Đức qua đời, thầy địa lý Vũ Hồn đã tìm điểm đặt huyệt ở Kiệt Đặc, huyện Cí Linh, tỉnh Hải Dương, chôn cất theo phép phong thuỷ. Cụ Vũ Hồn ở lại Kiệt Đặc trông nom mộ mẹ sau 3 năm mới quay về Mộ Trạch. Năm tháng trôi qua, thấm thoắt đã nghìn năm, con cháu họ Vũ đã không lưu giữ được mộ cụ Nguyễ Thị Đức. Năm 1993 tình cờ một người nông dân ở Kiệt Đặc được chia đất làm nhà và đào nó đã chạm phải ngôi mộ đặc biệt, anh ta chuyển mộ lên táng ở gò nhỏ đầu bờ cách chỗ cũ hơn 100 mét. Mộ táng dài dắt xen giữa các mộ khác, đất chật hẹp, trên mặt có xây gạch nhưng đã bị cạy vỡ nham nhở. Năm 1997, các anh Vũ Mạnh Hà, Vũ Thuý và phong thuỷ Vũ Quang Tiến có về đây tìm hiểu nhưng chưa xác nhận được có phải mộ cụ Nguyễn Thị Đức không? Mọi người vẫn canh cánh trong long, chương trình hoạt động của ban liên lạc lúc nào cũng nhắc đến việc phải đi tìm mộ cụ Đức. Khi khởi công tôn tạo di tích cụ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, con cháu lại nhận được lời răn dạy của cụ Vũ Hồn qua chị Phan Bích Hằng: Các cháu phải cố gắng tìm mộ thân mẫu của Cụ. Ngày 18/3/2003 anh Võ Văn Hồng tổ chức chuyến đi mời nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng về tại ngôi mộ nghi vấn nói trên ở Kiệt Đặc dựa vào khả năng phát hiện mộ của chị Hằng. Kết quả chị Hằng đã thỉnh mời được chân linh các cụ Nguyễn Thị Đức, cụ Vũ Hồn, cụ Võ Văn Trình về tại mộ phần này trò chuyện với con cháu. Như vậy linh mộ cụ Đức đã được xác định (có bài tường thuật riêng do bác Vũ Thuý soạn). Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí mừng tủi khôn xiết, con cháu hết sức xúc động nên chưa kịp hỏi cụ hết những điều muốn hỏi thì cụ đã ra đi. Bởi thế trong buổi tiếp thỉnh hôm nay, con cháu muốn được lời khuyên của các cụ để có hướng tôn tạo và giữ gìn ngôi mộ ở Kiệt Đặc cho mai sau.

Anh Võ Văn Hồng thưa ngay với cụ Vũ TIên Oanh: “Mộ của cụ Nguyễn Thị Đức đã bị di rời sang chỗ mới, vị trí này không thuận lợi cho việc tôn tạo, chúng cháu muốn đưa mộ về chỗ cũ và chuộc lại miếng đất người nông dân nọ để có điều kiện chăm sóc mộ phần tốt hơn, xin cụ cho lời khuyên”

Sau lời khấn và tiếng “vâng… dạ” như chị Hằng đã nghe các cụ nói. Cụ Oanh bảo (lời chị Hằng) tiết thanh minh vừa rồi cụ được con dâu và cháu đón về Kiệt Đặc nên cụ biết hết rồi. Cụ Vũ Hồn giỏi địa lý tìm được huyệt Kiệt Đặc rất đẹp, thế phong thuỷ ở đây không phải “Cửu thập bát tú triều dương” như Đống Dờm mà là “Ao vực nước trong xanh - đời đời phát công khanh”, huyệt cạnh ao. Con cháu phải đưa mộ về chỗ cũ, dịch ra một chút chứ không phải đúng in trên vị trí cũ vì một huyệt không táng hai lần. Cụ nhắc lại nhất thiết phải đưa mộ về đầu mạch nước cạnh ao, vị trí ấy đẹp nhất. Cụ Vũ Hồn bảo trước đây cụ chưa nói điều này vì sợ con cháu chuyển mộ vất vả nhưng bây giờ đã có ý kiến của ông nội cụ rồi thì phải nghe theo thôi. Cụ Vũ Hồn chỉ dẫn cụ thể thêm vị trí trong vườn chuối, chỗ con cháu đóng cọc hôm trước, dịch về phía trước vài thước độ một sải gối, hướng thì như cụ Đức đã dặn rồi, đầu gối lên núi Phượng Hoàng, chân đặt phía sông Kinh Thầy. Chuyển mộ không được thiếu cái gì, quan tài của cụ Đức chính là mấy tấm gỗ vàng tâm, cụ dùng làm phản nằm khi lâm bệnh, cụ Đức rất thích mấy tấm gỗ này. Khi Cụ qua đời, lo ma chay con cháu đã đưa những tấm phản ra cho thợ thửa thành quan tài. Cụ Vũ Hồn nhắc lại phải đặc biệt nhớ những tấm gỗ. Vị trí miếu thờ Cụ bảo ở cạnh gốc cây đổ gần đó ( mọi người đã nhận ra vị trí gốc cây ), có thể xây lại ở đây, còn bia được chôn ở ao cách đây mấy chục thước. Anh Võ Văn Hồng đề xuất xin đắp một ụ đất cao chính chỗ bia và trồng một cây lâu năm để làm dây và tạo sự liên kết giữa Mộ - Miếu thờ - Bia thành thế tam kỳ ngộ. Cụ chỉ dẫn cho nên trồng cây gì. Cụ Vũ Hồn bảo đất ở đây hợp cây vải, nên trồng cây vải, sau vài hội nữa ( một hội 600 năm ) họ Vũ lại có cây vải nghìn năm ( mọi người cười phấn khởi ).

Cụ Vũ Tiên Oanh bảo cụ Nguyễn Thị Đức là con dâu Cụ, lấy cụ Vũ Công Huy, khi cụ Huy đưa mộ Bố sang táng ở Đống Dờm. Quê cụ Đức là làng Mạn Nhuế, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, con gái một cụ đồ họ Nguyễn, ở đấy chỉ có một họ Nguyễn và bây giờ cũng không còn ai. Cưới xong hai Cụ đưa nhau về Phúc Kiến, các bà vợ trước ( cụ Vũ Công Huy có nhiều vợ ) thấy một cô gái Nam Việt thì bắt nạt. Sinh cụ Vũ Hồn ở Phúc Kiến, sau thời gian cụ Đức lại về Nam Việt sống. Cụ Vũ Công Huy làm quan thái thú, dinh thái thú cũng ở dinh này. Tiếp theo lại đến lượt cụ Vũ Hồn làm thái thú, hai bố con đều là thái thú, nhưng cụ Vũ Hồn không ở dinh này, Cụ làm dinh ở chỗ khác. Sau chức thái thú, cụ Vũ Hồn được cử lên làm Kinh dược sư nhưng Cụ bảo Cụ chỉ làm quan tú tuần rồi xin về dạy học, cụ thích làm thầy, Bố Cụ Làm quan suốt đời.
Hôm 18/3/2003, thỉnh cụ Đức ở mộ Kiệt Đắc, Cụ đã cho biết hai Cụ có 6 người con. Con trai đầu Vũ Hiền chết lúc 9 tuổi, con gái út là Vũ Niệm Vy cũng chết lúc 9 tuổi. Cụ Vũ Hồn là thứ hai và là cháu đích tôn duy nhất kế tự dòng họ Vũ Tiên Oanh.
Xin cụ tổ cho biết vong linh cụ Vũ Niệm Vy thờ ở đâu? cả 3 cụ Vũ Tiên Oanh, cụ Vũ Hồn và cụ Võ Văn Trình đều chỉ dẫn về bãi sậy có hồ bán nguyệt gần thị xã Hưng Yên, chứ không phải đầm Dạ Trạch như các cháu nói. Mộ để gần bờ sông, ngoài đê, ở đấy có cây đa nghìn tuổi. Các Cụ nói ngôi đền này không phải thờ một mình Vũ Niệm Vy mà được quan thái thú khấn xin cho vào đến thờ để thờ cùng với nhiều người.
Chị Hằng nói lời chỉ dẫn của các Cụ hết sức tỷ mỷ, rõ ràng: Đi trên con đường rẽ đã quan sát thấy gì, đến chỗ rẽ trái đi lùi vào sẽ thấy gì ở phía trước mặt, qua hồ bán nguyệt sẽ thấy rõ hơn có nhà thờ họ Vũ, vào trong chút nữa thì bên phải là đình thái thú, bên trái là đền thờ. Cụ Võ Văn Trình bảo Cụ được đi cùng cụ Vũ Hồn tìm về đây ( nơi thờ Vũ Niệm Vy ) cụ nhắc lại đúng là họ Vũ có cách đây 1000 năm.
Trong số con cháu ngồi nghe có kiến trúc sư Vũ Văn Tuân. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Anh Tuấn tỏ ra biết về những địa danh vừa nhắc đến ở Hưng Yên nên sau mỗi câu nói của chị Hằng, hai anh cứ gật đầu liên tục, cười phấn khởi “đúng, đúng rồi”. Các anh nói các anh đã tìm đến và hình dung rất rõ những điểm mốc các cụ chỉ dẫn.
Anh Võ Văn Hồng sốt sắng: “Phải tìm bằng được đền thờ cụ Vũ Niệm Vy, Tuân ơi, cố gắng nhé”

III/ Mồ mả thần ở Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương
( mộ song táng cụ Vũ Hồn và cụ bà Hoàng Thị Trúc ).

Con cháu đã thỉnh cụ Vũ Hồn nhiều lần và lần nào chị Hằng cũng mời được cụ về cho tiếp kiến. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều muốn được cụ chỉ dẫn.

Trước tiên con cháu thưa với cụ: Sáng nay con cháu làm lễ đổ mái nhà Hạ Đường trong khu miếu thờ Cụ, có các cụ 70 – 80 tuổi lên nóc đổ mái. Cụ có về chứng kiến không? Cụ có hài lòng không và có điều gì cần dạy bảo?

Mấy giây trôi qua, chị Hằng nói ngay: Cụ bảo tốt. Làm nhà ở thì người trẻ lên nóc để mong ngôi nhà phát triển, ăn nên làm ra. Làm nhà thờ thì người già phải lên nóc vì nhà thờ mang ý nghĩa lâu dài, vĩnh cửu, giữ lấy gốc rễ. Điều này không ai bảo, ngẫu nhiên mà các cháu làm đúng, thế là báo trước điềm tốt. Cụ Vũ Hồn bảo trước đây làm khu long nhãn đã theo đúng lời cụ dặn, không chạm long mạch Cụ rất mừng, nay các cháu phải tiếp tục làm cho tốt. Việc làm đường ra Mả Thần, trồng cây đa trên đường đi ( thầm mong sau này cũng thành cây đa 1000 năm ), cụ đều biết và tỏ ra hài lòng. Con cháu yên tâm phấn khởi.

Khi hỏi Cụ về đường vợ con và tên cụ song táng ở Mả Thần, chị Hằng đã nói lại những lời rất sâu sắc và cảm động của cụ Vũ Hồn: Cụ bảo Cụ có hai vợ, hai thôi chứ không có nhiều. Một cụ do cụ Huy ( bố Cụ ) lấy cho ở Phúc Kiến, lúc lấy cụ Vũ Hồn không có nhà, người đàn bà ấy tên là Yacra Vân Nhi, người Mãn Châu, cụ bảo lấy bà này là để bang giao, bà vợ Nam Việt mới là do Cụ chọn, tên cụ bà người Việt là Hoàng Thị Trúc, mà Cụ gọi đầy đủ là Hoàng Thị Chính Thất Húy Trúc. Mộ song táng ở mả thần là bà Trúc, quê ở làng Mạc Xá gần Mộ Trạch ( chị Hằng đã phải hỏi lại Cụ rất kỹ là Trúc đi với chữ trúc mai, tre trúc hay chúc mừng, chúc tụng? Cụ bảo rành rọt là trúc mai ).

Lúc cụ Vũ Hồn xây dựng ấp ở Mộ Trạch mà Cụ gọi là Khả Mộ, bà Trúc sang làm. Bố bà Trúc là người đã giúp Cụ xây dựng ấp. Cụ hết lời khen ngợi cụ Trúc là thông minh làm nhiều việc tốt, cụ bảo con dâu họ Vũ rất thông minh, tháo vát, cụ Đức cũng vậy. Cụ kể chuyện ngày ấy hạn rất nặng, dân làng không ai có nước ăn, nàng Trúc ( Cụ gọi âu yếm là nàng ) nói cho Cụ biết khi nàng cùng chúng bạn đi tát nước đã quan sát có một điểm không lúc nào cạn nước, rồi dẫn cụ Vũ Hồn đi tìm nhiều đêm liền. Tìm suốt cả một tuần, sau cho dân làng ra đào, ngày đêm ròng rã hàng tháng trời mới có nước cho dân làng ăn ( không biết có phải giếng chùa ngày nay không ). Đêm nào cụ Trúc cũng ra nấu cháo cho người đào giếng ăn. Cụ Vũ Hồn nhắc lại bà này tốt lắm, làm được rất nhiều việc tốt, nên đương thời có lúc dân làng tôn vinh cụổnúc hơn cả cụ Vũ Hồn. Cụ bảo lúc ấy chưa có nhiều tiền, đào giếng nhờ vào tiền của họ Hoàng, do họ Hoàng công đức đầu tiên và quyên góp của các môn sinh. Đúng là hành động cao cả, hết lòng giúp muôn dân.

- Con cháu muốn biết hai ngôi mộ song táng ở Mả Thần thì mộ nào là cụ Vũ Hồn, mộ nào là cụ Trúc?

Chị Hằng vừa hỏi vừa ra hiệu trái phải để nghe Cụ định hướng, khi hiểu rồi chị Hằng nói rất rành rẽ thế này: Cụ bảo đứng quay mặt lên làng, bên trái là mộ Cụ, bên phải là mộ cụ Trúc. Cụ còn bảo theo phong tục Trung Quốc thì người vợ bao giờ cũng ở bên tay trái của chồng, làm gì cũng vậy, khi chết cũng chôn thế.

Cụ Vũ Hồn với cụ Yacra Vân Nhi ở Phúc Kiến chỉ có một con gái. Với cụ Hoàng Thị Trúc ở Việt Nam, hai Cụ sinh được 7 người con, 1 trai chết sớm, trưởng thành 6: 4 trai, 2 gái, mà Cụ gọi là tứ tử trình làng, nếu được cả 5 trai là ngũ tử. Cụ Vũ Tiên Oanh nói rõ tên từng người: Con trai đầu là Vũ Thường cho về Phúc Kiến chịu tang cụ Vũ Công Huy, ông nội giữ lại trông nom trang ấp của ông. Ba trai sau đều ở Việt Nam, Vũ Trác di dời vào Trường Yên sau chuyển ra Đại La. Cụ bảo đất Trường Yên lúc ấy của nhà Lê, nhà Đinh đóng đô, Vũ Trác vào làm tướng. Vũ Văn xuôi thuyền về Thái Bình phát triển nghề đánh cá và buôn bán. Cụ Vũ Hồn còn nói vui: - Cái thằng Vũ Văn này không chịu học nhưng làm cái gì cũng giỏi. Vũ Hựu vào miền trung theo nghề nghiên bút.

Về hai người con gái của cụ Vũ Hồn, cụ Vũ Tiên Oanh nói cháu Cụ tên là Vũ Dạ Quỳnh và Vũ Nhật Mai. Vũ Dạ Quỳnh làm thiếp trong triều tiền Lê, Vũ Nhật Mai thì vào triều Lý, cả hai được các công hầu của họ Lê, họ Lý lấy làm vợ được phong Chiêu Nghi. Cụ bảo đã có lần quan quân nhà Lý kéo nhau về đây ( tức gò mộ Đống Dờm ) để chiêm bái mộ Cụ chứ không phá phách gì.
Nghe cách nói diễn tả của chị Hằng, chứng tỏ Cụ rất yêu quý các cháu gái Cụ. Cụ bảo các cháu cố tìm trong phơ ý họ Lê, họ Lý nếu thấy Dạ Quỳnh, Nhật Mai thì đúng là con gái Vũ Hồn đấy. Vũ Nhật Mai là con gái út của Vũ Hồn. Cụ dùng cách nói có tính chất lý sự “đã được phong Chiêu Nghi rồi thì phải có trong phơ ý chứ”.


Nghe đến đây anh Võ Văn Hồng vội vã nháp cây phả hệ từ cụ Vũ Tiên Oanh tiếp nối 4 đời ở Việt Nam đưa chúng tôi xem:

Cụ Vũ Tiên Oanh

Vũ Công Huy

( Nguyến Thị Đức )

Vũ Hiền
Vũ Hồn

( Hoàng Thị Trúc )
Vũ Niệm Vy
Vũ Thường
Vũ Trác
Vũ Văn
Vũ Hựu
Vũ Dạ Quỳnh
Vũ Nhật Mai


Dù chưa được phép coi đây là chính phả, nhưng nó cũng cho chúng ta hình dung họ Vũ Việt Nam đến đời con cháu cụ Vũ Hồn đã phát triển ra nhiều nhánh đi rất nhiều nơi. Gần đây có ông Vũ Hữu ở làng Đại Bá, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh gửi thư cho chúng tôi khẳng định dòng họ Vũ ở Đại Bá có lịch sử hơn 1000 năm, cụ tổ họ Vũ ở đây đồng thời là cụ tổ dạy nghề đúc đồng cho dân chúng và cũng là thành hoàng làng nhân dân thờ cúng. Ông Hữu nói có ít nhất 5 di tích còn được lưu giữ làm căn cứ cho gia phả họ Vũ, so ra cũng tương đương với con cháu cụ Vũ Hồn.

Khi hỏi về con cháu các cụ ở Phúc Kiến phát triển thế nào? chị Hằng cho biết cụ Vũ Tiên Oanh bảo vẫn còn ở Mã Kỳ. Vũ Thường về sinh sống, sau cụ Vũ Hồn có về đây mở lớp dạy tiếng Việt mấy năm liền, bây giờ họ vẫn nói, các cháu tìm về đấy đi, tìm được thì rất tốt. Cụ còn bảo Vũ Hồn đang ở đây cũng mới về Phúc Kiến dạy tiếng Việt.


Về kế hoạch xây dựng nhà bia trong khu miếu thờ cụ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, ban kiến thiết còn nhiều băn khoăn vì chưa hình dung được thiết kế trong nhà bia thế nào cho hợp lý. Chị Hằng diễn giải chỉ dẫn của cụ Vũ Hồn: Cụ bảo xây dựng nhà bia phải hình thành 3 khu: Một để ghi những người thành đạt trong thời trước, tính từ cụ Vũ Hồn đến hết thời phong kiến; Một để ghi những người thời hiện tại; còn một để lại cho con cháu sau này ghi tiếp. Cụ nói ba giai đoạn thế hệ, dòng họ Vũ làm gì cũng phải nghĩ đến tam tam. Với mỗi người phải ghi rõ đỗ đạt năm nào, đời nào, có bằng sắc phong kèm theo. Chị Hằng kể cụ Võ Văn Trình nghe đến đây cười rất hóm hỉnh “Ghi hết bằng sắc phong thì riêng cụ Vũ Hồn đã phải hàng chục cái bia. Cụ Vũ Hồn có nhiều sắc phong lắm, khi chết rồi vẫn được sắc phong, đến đời Minh Mạng, Tự Đức vẫn sắc phong cho Cụ. Cụ linh thiêng mỗi lần làm được điều gì phù hộ cho đất nước là các triều vua đương thời lại sắc phong tưởng nhớ công ơn Cụ”. Cụ Trình bảo Cụ nghe hết rồi, các cháu làm có vướng Cụ sẽ chỉ cho. Bây giờ đã dến lúc các Cụ phải đi.

Chỉ nghe chị Hằng lễ phép chào với theo “Con xin chào các cụ ạ! Con chào cụ Trình ạ!”, hình như cụ Trình đi sau cùng.

Con cháu sụp lạy trước bia mộ, ngẩng lên tôi thấy anh Vũ Mạnh Hà vẫn đang lung túng với giấy bút trên tay. Lúc này trước gò mộ trời đang lộng gió, anh Hà được phân công thiết kế nhà mồ nên có lẽ anh chăm chú nghe và ghi không sót lời các Cụ.


Gò Đống Dờm, ngày 11 tháng 4 năm 2003
( tức 10/3/năm Quí mùi )
Vũ Kim Tường ghi
admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 88
Join date : 02/08/2011
Age : 32
Đến từ : Yên Nhân - Yên Mô - Ninh Bình

https://vutocthonvinhloc.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết